Mỗi năm có 45.900 bé gái không được sinh ra
Thông tin này được đưa ra tại buổi Tập huấn cung cấp nội dung, kỹ năng truyền thông về chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới diễn ra ngày 14-15.7 tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).
Theo điều tra về dân số mới nhất diễn ra năm 2019, tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) tại Việt Nam đạt mức là 111.5 trẻ trai sinh ra trên 100 trẻ em gái trong khi tỉ lệ sinh “tự nhiên” là 105 đến 106 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái. Việt Nam là nước có TSGTKS cao thứ ba tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới có sự khác biệt giữa các khu vực. Vùng đồng bằng sông Hồng có TSGTKS tăng nhanh nhất. 7 tỉnh phía Bắc có tỉ số giới tính cao hơn 115 trẻ trai/ 100 trẻ em gái. Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh là ba địa phương có TSGTKS cao nhất cả nước và cao nhất thế giới với hơn 125 trẻ trai/ 100 trẻ gái.
Nguyên nhân lựa chọn giới tính là do tâm lý ưa thích con trai, mong muốn có con trai “nối dõi”, thờ cúng và chăm sóc mồ mả, tổ tiên khi mất đi. Con trai là biểu tượng của quyền lực, có con trai nâng cao vị thế, danh dự của gia đình trong cộng đồng. Về khía cạnh kinh tế, con trai luôn được ưu tiên hơn con gái trong thừa kế đất đai và tài sản.
Trước đây, để có con trai, hầu hết các gia đình sẽ sinh con cho đến khi họ có ít nhất một con trai. Tuy nhiên, thực hành này đã bị hạn chế bởi chủ trương quy mô gia đình nhỏ và chính sách mỗi gia đình chỉ có một đến hai con ban hành năm 1961 và được thúc đẩy giai đoạn 1980-1990. Chính sách này đặt các gia đình Việt Nam nói chung và phụ nữ nói riêng vào tình thế phải có ít nhất một con trai trong khi chỉ có thể có hai con và họ thận trọng hơn trong việc lựa chọn giới tính khi sinh.
Sự phát triển công nghệ y học hiện đại cũng giúp cho các gia đình lựa chọn giới tính thai nhi hoặc biết được giới tính thai nhi từ sớm mặc dù Nghị định 104 năm 2003 cấm tiết lộ giới tính thai nhi.
Đáng chú ý, phụ nữ càng có điều kiện kinh tế và trình độ học vấn càng có xu hướng lựa chọn giới tính khi sinh. Bà Hà Thị Quỳnh Anh, Chuyên gia về giới và nhân quyền (Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA), cho biết trình độ học vấn càng cao, càng có kinh tế thì việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới nhiều hơn dẫn đến mất cân bằng giới tính cao hơn.
Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều các gia đình có kinh tế, sẵn sàng chi trả khoản tiền lớn để sang Singapore, Thái Lan… để có thể lựa chọn giới tính cho thai nhi.
Hậu quả của việc lựa chọn giới tính khi sinh có thể khiến mỗi năm có 45.900 bé gái không được sinh ra tại Việt Nam. Việt Nam cũng đối mặt với tình trạng “thừa nam thiếu nữ’’, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học và cụ thể là tăng áp lực kết hôn sớm đối với phụ nữ, tăng nhu cầu dịch vụ tình dục . Ngoài ra, làm gia tăng buôn bán phụ nữ kéo theo bạo lực tình dục đối với phụ nữ, làm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và sức khỏe tinh thần của phụ nữ
Dự kiến đến năm 2034, Việt Nam sẽ “thừa” khoảng 1.5 triệu nam giới trong độ tuổi 15–49. Con số này sẽ tiếp tục tăng đến năm 2059 là 2.5 triệu nam giới (9.5% tổng số dân số nam) nếu tỉ số giới tính không giảm.
Tỉ số giới tính khi sinh ở nông thôn cao và tăng nhanh hơn thành thị
TS Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục (Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế), cho biết thời gian qua, Việt Nam đã đề ra ba nhóm giải pháp can thiệp nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó, chủ yếu là nhóm giải pháp đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của mọi người về hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, nhóm giải pháp truyền thông cũng chưa được đầy đủ, sâu, rộng, chưa tới được tất cả các đối tượng. Do vậy, kết quả thu được chưa như mong muốn.
Nhóm giải pháp thứ hai là thực hiện các điều luật nghiêm cấm sử dụng công nghệ trong xác định giới tính thai nhi và đình chỉ thai nghén. Việt Nam đã ban hành nhiều Luật, Nghị định nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi như Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003 (Điều 7), Nghị định 104 (2003),… Một số Nghị định còn đưa ra mức phạt như Nghị định 55 năm 2009 quy định phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi xúi giục người khác phá thai vì giới tính của thai nhi; Hay Nghị định 117 năm 2020 (Điều 100) quy định hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồng, thậm chí hành vi bắt mạch, siêu âm, xét nghiệm để chẩn đoán, tiết lộ, cung cấp giới tính thai nhi có theo Điều 98 Nghị định số 117.
Tuy nhiên, theo ông Dương, trên thực tế các quy định, chế tài không được thực hiện nghiêm túc, chưa được giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Vẫn còn hiện tượng in tài liệu tuyên truyền về lựa chọn giới tính thai nhi; quảng bá các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi; cán bộ y tế tiết lộ về giới tính thai nhi, bằng chứng là rất nhiều phụ nữ mang thai biết giới tính thai nhi trước khi sinh…
Đối với nhóm giải pháp thứ ba là thực hiện các chính sách kinh tế xã hội, việc triển khai các hệ thống an sinh xã hội, đề án phúc lợi kinh tế có chú trọng đến đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn rất hạn chế.
Để ngăn chặn và hạn chế lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, thời gian tới, Tổng cục dân số phối hợp với UNFPA Việt Nam tiến hành rà soát các chính sách để tìm ra các lỗ hổng chính sách và đưa ra các khuyến nghị về thay đổi chính sách. Cùng với đó, theo TS Đinh Huy Dương, Việt Nam cần nghiêm túc thực thi chính sách pháp luật và triển khai các can thiệp liên quan đến bình đẳng giới và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam không chỉ cao mà còn có xu hướng tăngTheo TS Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục (Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế), kết quả của Tổng điều tra 2019 cho thấy 5 xu hướng biến động của tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) ở Việt Nam rất đáng lo ngại. TSGTKS của Việt Nam khá cao và vẫn có xu hướng tăng lên, từ mức 107 (năm 1999) lên mức 110,5 (2009) và 111,5 (năm 2019). TSGTKS ở nông thôn cao hơn và tăng nhanh hơn thành thị. Điều này thực sự đáng lo ngại, khi khoảng 2/3 dân số nước ta sống ở nông thôn. TSGTKS tăng nhanh nhất ở các tỉnh vùng núi và cao nguyên. Tăng nhanh số tỉnh có TSGTKS rất cao. Năm 2009, chỉ có 9 tỉnh hầu hết tập trung ở đồng bằng sông Hồng có TSGTKS rất cao, từ 115 trở lên. Đến năm 2019, đã có 17 tỉnh có TSGTKS cao như vậy cả ở 6 vùng kinh tế-xã hội TSGTKS ở 4 vùng tăng lên, gồm trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ, chỉ có 2 vùng giảm nhẹ: đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung giảm ít hơn. |
Theo Doanhnhanplus