Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ nâng hạng trong năm 2025

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 diễn ra ở Hà Nội vào sáng 28/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025.

Theo dự báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2024, môi trường kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục đối diện với các khó khăn, diễn biến phức tạp khi tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo vẫn còn yếu trong ngắn hạn.

chung-khoan-0944.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024

Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục ở mức cao hơn các khu vực khác, tạo động lực đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vượt qua những khó khăn trong năm nay.

Trên tinh thần của Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xác định năm 2024 sẽ là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế năm 2024.

img1630-170908786239348127528820240228104621.jpg
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương đề xuất 5 nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024

Vì vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm để làm tốt công tác phát triển thị trường chứng khoán trong năm nay:

Thứ nhất, quyết liệt triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 và Công điện số 1360/CĐ-TTg ngày 13/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Xây dựng và tổ chức triển khai các Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Thứ hai, quản lý điều hành thị trường chứng khoán đảm bảo an toàn, thông suốt, tạo thuận lợi cho huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế; triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp thông qua triển khai công bố thông tin một đầu mối, cải cách thủ tục hành chính.

Thứ ba, đẩy mạnh giám sát, thực thi pháp luật để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và hoạt động lành mạnh của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, làm sạch dữ liệu nhà đầu tư và nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản lý giám sát.

Thứ tư, tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa trên thị trường, khuyến khích các hoạt động chào bán, phát hành ra công chúng và gắn chào bán ra công chúng lần đầu với niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán; tiếp tục tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đồng thời đẩy mạnh quản lý, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Thứ năm, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tới công chúng đầu tư để nâng cao hiểu biết pháp luật, hoạt động của thị trường chứng khoán, góp phần giúp công chúng đầu tư có kiến thức, thông tin phòng ngừa các hoạt động gian lận trên thị trường và trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về thị trường chứng khoán nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường.

Đồng thời cần phối hợp với các bộ ngành có liên quan trong triển khai đồng bộ các giải pháp cho thị trường chứng khoán phát triển. Từ đó tạo tiền đề để đa dạng hoá các nhà đầu tư tham gia thị trường, khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm, nhà đầu tư nước ngoài… tham gia sâu và rộng hơn vào thị trường.

Đặc biệt, Bộ Tài chính phải tiếp tục thông tin chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính, cũng như phát triển thị trường chứng khoán ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối, bổ trợ tích cực giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thị trường chứng khoán với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực tích cực và kết quả trong công tác quản lý nhà nước, điều hành hoạt động của lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng các cơ quan, ban, bộ, ngành, sự đồng hành và chung tay góp sức của các doanh nghiệp, các tổ chức định chế thị trường và cộng đồng các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

Ngoài ra, Thủ tướng nêu rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của thị trường chứng khoán Việt Nam, cần nhanh chóng tháo gỡ, khắc phục. Đó là việc xây dựng đồng bộ và hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và hoạt động của thị trường ngày càng phát triển mạnh mẽ, an toàn, minh bạch và bền vững. Còn tình trạng làm giá, thao túng chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư và niềm tin thị trường; vấn đề đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác vận hành và quản lý đối với TTCK, để đưa công nghệ số, công nghệ 4.0 thúc đẩy TTCK…

Thủ tướng khẳng định, năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững ổn định chính trị – xã hội để nhà đầu tư yên tâm. Đồng thời, tập trung giải quyết các điểm còn vướng mắc để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn