Khu du lịch Bửu Long được ví như “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ giữa lòng tỉnh Đồng Nai nhờ sở hữu không gian xanh cùng hồ nước rộng lớn. Nơi đây cũng chỉ cách TP.HCM khoảng 30km, nên di chuyển tương đối thuận tiện, dễ dàng.
Cả ba năm thời trung học, lớp tôi thường xuyên tổ chức đi cắm trại xa, chủ yếu là hướng phía đông thành phố. Cứ xe đạp và tuổi trẻ, chúng tôi lê la từ TP.HCM lên An Phú Đông, Lái Thiêu, Dĩ An, rồi chạy qua suối Lồ ồ, lên núi Bửu Long tắm hồ và chơi kéo co.
Dẫu lúc ấy xe chạy bằng cơm và đoạn đường khá xa, nhưng lại dễ đi hơn, vì mật độ xe không đông đúc như bây giờ. Các chuyến đi trở nên lãng mạn và đầy ắp kỷ niệm. Thế nên, lâu lâu tôi lại nhớ về chốn cũ, rồi tự đi thăm như thể mình có giao kèo với nơi ấy.
Sự mộc mạc của Long Sơn Thạch Động ngự trên mỏm núi tạo cảm giác huyền bí lẫn gần gũi. Bởi gọi là núi nhưng đường lên không xa, hang không sâu. Từ bãi xe cuốc bộ tầm mười lăm phút là có thể nhắm mắt để gió thổi tóc bay bay. Đứng trên cao nhìn xuống chân núi bọc quanh là hồ Long Ẩn. Hồ lớn và sâu, làn nước xanh trong và rất sạch làm mắt ta cũng trở nên xanh dịu dàng. Lớp chúng tôi thích nhất nơi này vì được nhảy tùm xuống nước chơi đùa thỏa thích. Các tảng đá to và bằng phẳng bao quanh làm nơi tụ họp hò hét. Thiên đường của chúng tôi chỉ là núi hồ và gió, thế nhưng lại thật tuyệt vô cùng, tất cả đều hoang sơ một cách hoàn hảo.
Lần tôi đến Bửu Long cách đây hơn mười năm, mọi thứ đang dần thay đổi. Khu du lịch đã được đầu tư rất đẹp và hoành tráng bên cạnh núi. Có những mỏm đồi nho nhỏ xanh mướt giữa lòng hồ Long Ẩn, các thuyền đạp vịt lố nhố sắc màu, xa trông thật lãng bảng đầy thơ mộng. Không còn cảnh tự do bơi lội nữa, quy luật tất yếu của xã hội, đây là điều hiển nhiên phù hợp với nhu cầu vui chơi của người dân.
Song, thảm cây ở đây đã thưa thớt nhiều, từ giữa cầu Hóa An nhìn về phía núi Bửu Long sẽ không còn thấy màu xanh nhô cao nữa. Cảm giác đốm chấm kia chỉ còn là một mảng đồi ngang, các am, nhà chính nhà phụ được xây cất khá nhiều, nên cây bị đốn đi là điều đương nhiên.
Và rồi, dịp Tết năm nay, tôi chọn trở lại nơi này để được cảm đủ các mùa nơi đây. Dư âm về ký ức xưa vẫn đeo bám tôi theo thời gian. Biết đâu, mỗi thời điểm chúng ta sẽ có cách nhìn khác nhau, hiểu biết và suy nghĩ thoáng hơn!
Có lẽ với những ai mới đến sẽ choáng ngợp với khung cảnh hồ lượn lờ quanh chân núi, nhưng để tìm dấu xưa thì không gian cũ đã hoàn toàn biến mất. Đường vào núi trước đây là bãi đất trống rất lớn, các bậc thang đá tự nhiên rộng và nhiều hình thái. Cả khoảng trời xanh trước mặt, rừng cây rậm rịt đầy oxy. Giờ đây, một ngôi chùa bảng chữ tàu đặt ngay vị trí cổng vào, hàng rào bê tông đã xây kín kẽ tách biệt hẳn. Nhà dân mọc san sát trước mặt tiền, vì thế cổng quan trở nên nhỏ xíu. Phải để ý rất kỹ tôi mới thấy tấm bảng đề Tịnh xá Ngọc Ân nhỏ hẹp. Độ ngang con hẽm tầm một mét, dẫn ngoằn ngèo lên núi. Con đường và bãi đất trống xưa đã thay bằng mảnh vườn trồng rau củ tách bạch hàng rào lưới chắn.
Đường chính xe chạy lên núi phải đi vòng ra sau, xe lên thẳng đến nơi rất nhanh. Không còn cảm giác chinh phục nho nhỏ, cái thở hắt nhẹ mắt long lanh nữa. Trước mắt tôi là một hình ảnh rất lạ, không gian trở nên chật hẹp và khá nóng. Cây xanh là thứ quý hiếm ở đây, các mái tôn hắt bóng nắng rát cả mặt, mùi nhang khói vây quanh. Có lẽ tôi vẫn là người của hoài niệm, nên tự mình cảm thấy lẻ loi.
Ngay Tịnh xá Ngọc Ân, người hành hương đến khấn vái, cắm nhang và cúng dường tùy hỷ. Có thể ra sân ngồi ghế đá nghỉ chân và ngắm cảnh an bình. Chùa Long Sơn cũng hình thức thế, nhưng có hàng quán phía trước, nên không gian có vẻ ồn ào hơn một chút. Tuy nhiên, không có ghế đá nào đặt ở quanh, và cũng không còn được ngắm cảnh thiên thai hồn nhiên nữa, núi đã được xây tường và rào chắn lưới B40. Thế thôi, có thể thấy sự đơn điệu thuần túy ở tâm niệm giản đơn về cúng bái.
Một ngôi chùa dưới chân núi có đặt bàn cầu an, một cặp là 60.000 đồng. Có nhang khoanh treo trên cao âm ỉ cháy vài ngày, có xin xâm cầu may và giải đố số cây xâm, ghế đặt xung quanh cho khách ngồi nghỉ nên có cảm giác mát mẻ và nhẹ nhõm hơ. Núi Bửu Long bây giờ vẫn là một điểm cho khách du lịch nhưng bây giờ đã khác. Tất cả những gì thơ mộng, hoang sơ, trong lành ở nơi đây, giờ chỉ là hoài niệm.
Theo DNSG