Cụ ông dựa vào sức tự nhiên của cây trúc, tự do bay lượn từ ngọn này sang ngọn khác, hiện tại dù đã hơn 70 tuổi ông vẫn có thể chặt được hơn 500 ngọn trúc mỗi ngày khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc.
Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, máy móc cũng ngày càng tân tiến để giúp con người thực hiện các công đoạn khó khăn, nguy hiểm trong dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, ở một số vùng quê vẫn tồn tại những công việc tưởng chừng như con người khó mà làm được. Như câu chuyện về cụ ông ngoài 70 tuổi, đã có thâm niên 50 năm “bay lượn” trong rừng trúc đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Nhân vật chính trong câu chuyện này là ông Mao Khang Đạt ở thôn Thạch Môn vùng Chiết Giang, Trung Quốc, người được mệnh danh là “trúc hải phi nhân” có khả năng bay trên các ngọn trúc uyển chuyển như chim. Mới nghe qua có lẽ nhiều người chưa tin, làm sao một người bình thường lại có thể bay lên trên ngọn trúc cao chót vót mà không có thêm công cụ hỗ trợ nào.
Tuy nhiên, thực chất đây là một nghề truyền thống được lưu truyền nhiều đời ở thôn Thạch Môn, đáng tiếc hiện nay không còn nhiều người trẻ muốn làm công việc này, ông Mao cũng là người cuối cùng có khả năng bay lượn trên ngọn trúc.
Từ nhỏ ông Mao đã được cha rèn luyện kỹ năng của một “trúc hải phi nhân”, dần dần ông có khả năng bay thuần thục từ ngọn trúc này sang ngọn trúc khác mà không cần bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào, chỉ hoàn toàn dựa vào sức tự nhiên của cây trúc. Mỗi lần bay lượn trong rừng trúc, ông Mao thu hoạch ngọn trúc đem bán, lúc còn trẻ ông có thể chặt đến 1.000 ngọn, hiện tại dù đã hơn 70 tuổi ông vẫn có thể chặt được hơn 500 ngọn mỗi ngày.
Ngoài lợi ích kinh tế, việc chặt ngọn trúc thường xuyên cũng giúp cây trúc mọc nhanh hơn, với ông Mao đây không đơn giản là công việc mưu sinh mà còn là sự nghiệp cả đời được cha ông truyền lại. Gần 50 năm ông gắn bó với rừng trúc, ăn uống sinh hoạt đều ở đây, ông sớm đã xem trúc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình.
Đến nay ông Mao gần như là người cuối cùng có khả năng bay lượn trên ngọn trúc, một phần vì độ nguy hiểm của công việc này, mỗi cây trúc có độ cao lên đến 20m chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trước khi bay lượn, ông Mao đều phải xem xét kỹ để chọn ra khu vực có cây trúc to, cứng cáp, tránh những cây có sâu đục hoặc thân yếu ớt, dễ gãy.
Thời còn trẻ, ông Mao có thể ngồi hàng giờ trên ngọn trúc. Ông nhóm các ngọn trúc lại với nhau tạo thành chỗ ngồi rồi tranh thủ ăn uống, nghỉ mệt, sau đó lại tiếp tục công việc chặt trúc.
Ngày nay, trúc không còn được nhiều người tìm mua, tuy nhiên ông Mao vẫn ngày ngày thực hiện công việc này, vì với ông đây còn là sự nghiệp cả một đời được cha của ông truyền lại. Đáng mừng rằng tuyệt kĩ “trúc hải phi nhân” cũng được nhiều người trẻ biết đến, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc.
Dù nguy hiểm, vất vả nhưng ông Mao Khang Đạt vẫn duy trì công việc bay lượn trong rừng trúc để bảo tồn nét đẹp truyền thống này, vì ông biết khi ông mất đi có lẽ không còn ai có tuyệt kỹ “trúc hải phi nhân” nữa. Bạn cảm thấy như thế nào về câu chuyện của người đàn ông 50 năm bay lượn trong rừng trúc này? Hãy cùng chia sẻ nhé!
Theo Bestie