Ông Trần Anh Tuấn – Đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ tạo điều kiện và sức bật rất lớn cho doanh nghiệp (DN) phát triển.
* Theo ông, vai trò dẫn dắt của DN nhà nước sẽ ra sao khi Nghị quyết 98 có hiệu lực vào ngày 1/8 sắp tới? Cụ thể, đối với các ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM như quy định tại Điều 7 của Nghị quyết 98 sẽ có tác động thế nào đối với doanh nghiệp?
– Nghị quyết 98 sẽ tạo điều kiện rất lớn cho việc phát triển DN, thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của TP.HCM, đặc biệt là lĩnh vực khoa học, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chuyển giao công nghệ, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động, công nghệ dược liệu mới, năng lượng sạch… Dù đây là các lĩnh vực thành phố ưu tiên phát triển nhưng DN vẫn phải đáp ứng điều kiện về quy mô vốn đầu tư, các nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân cùng các chính sách ưu đãi khác. Việc này phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế xã hội của thành phố theo hướng thu hút các ngành có giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học cao vào đầu tư phát triển để tạo ra sức bật mới, giá trị lớn hơn trong phát triển kinh tế. Nghị quyết 98 sẽ tạo sức bật, tạo bước ngoặt cho việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên đó.
Thực hiện Nghị quyết 98, TP.HCM được chủ động trong việc bố trí nguồn lực thu được từ cổ phần hóa DN nhà nước để đưa vào Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), tăng vốn điều lệ, làm đòn bẩy để HFIC có nội lực, năng lực lớn mạnh hơn.
Đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án TOD – những chương trình đầu tư dọc theo các tuyến giao thông như metro, Vành đai 3 để tạo sức lan tỏa kinh tế – xã hội.
* Khi được bố trí nguồn lực để tăng nội lực cho HFIC, ông có nghĩ rằng HFIC sẽ trở thành một “siêu DN về tài chính” để cấp vốn cho các công trình xây dựng thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM?
– Hiện HFIC hướng tới mục tiêu và chức năng nhiệm vụ đó, tuy nhiên để thực hiện thành công, Nghị quyết 98 quy định phải sử dụng hiệu quả nguồn lực thành phố giao cho HFIC. Điều này đồng nghĩa với việc HFIC được tăng nội lực, nhưng HFIC phải có nhiệm vụ bảo toàn và phát triển nguồn vốn đó. Theo đánh giá, HFIC đang làm tròn chức năng, nhiệm vụ đó, dù vốn còn hạn chế, HFIC cũng đã bảo toàn và phát triển số vốn chủ sở hữu giao trong thời gian qua. Do đó, với nguồn lực mà thành phố tiếp tục phân bổ từ nguồn tiền cổ phần hóa DN nhà nước cho HFIC, tôi tin rằng HFIC sẽ chủ động hơn và khi có nguồn nội lực mạnh hơn để thực hiện những chương trình có sức lan tỏa lớn, tạo ra những giá trị lớn.
Từ việc sử dụng hiệu quả và tài trợ cho những chương trình lớn của thành phố đang dồn lực vào phát triển thì HFIC sẽ tạo ra giá trị lớn hơn và trở thành một tập đoàn tài chính lớn trong tương lai gần.
Đó là những nét lớn khi Nghị quyết 98 được thi hành, tạo điều kiện, sức bật mới cho thành phố cũng như thu hút DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực mang tính chiến lược, tạo giá trị gia tăng cao.
* Vậy ông có nghĩ rằng, với quy định tại Điều 8 của Nghị quyết 98 cho phép cơ quan quản lý hay cấp vốn của thành phố được chủ động rót vốn vào các chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mà ít chịu rủi ro?
– Tôi nghĩ rằng, trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo hay vườn ươm sáng tạo giống như các nước sẽ có một mức độ rủi ro nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình lập và thẩm định đề án, chúng ta phải tính tới phương án rủi ro và dự phòng cho rủi ro. Như vậy, dù có rủi ro nhưng khi thẩm định tốt, khả thi và lường trước rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt là dự phòng rủi ro thì dù có rủi ro nhưng tính về tổng thể vẫn sẽ hiệu quả, khả thi. Ở một số nước phát triển, rót vốn vào các chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, họ chấp nhận rủi ro cao, nhưng ở một số nước đang phát triển như Việt Nam thì việc chấp nhận rủi ro sẽ thấp hơn. Nhìn chung, việc đầu tư vào các chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ mang lại công ăn việc làm cho xã hội. Nếu thành công sẽ mang tới nhiều giá trị gia tăng hơn như thu hút được nguồn lực xã hội ngày càng nhiều, tạo công ăn việc làm nhiều hơn, thu nhập của người dân tăng thêm. Do đó, chúng ta phải chấp nhận hy sinh hiệu quả tài chính trước mắt. Như vậy, cùng với chính sách về lãi vay thì đây sẽ là cơ hội cho DN khởi nghiệp và các nhà đầu tư vào các lĩnh vực TP.HCM ưu tiên phát triển.
* Dưới góc nhìn của mình, ông đánh giá Nghị quyết 98 sẽ tác động thế nào tới sự phát triển của DN tại TP.HCM nói chung và DN nhà nước nói riêng?
– Nếu như triển khai nhanh, có hiệu quả nghị quyết này từ ngày 1/8, tôi nghĩ rằng việc thu hút nguồn lực xã hội vào các lĩnh vực ưu tiên sẽ tạo sức bật mạnh mẽ hơn, tạo ra giá trị gia tăng lớn cho GRDP của thành phố. Trong những năm tới, số lượng DN thành lập mới đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của thành phố sẽ tăng lên và nguồn lực xã hội được huy động tốt hơn, sức bật của kinh tế thành phố sẽ mạnh mẽ hơn.
Riêng đối với DN nhà nước của thành phố, khi được tăng nguồn lực đầu tư cho HFIC, HFIC sẽ đóng vai trò quỹ đầu tư phát triển của địa phương, hỗ trợ cho những ngành, lĩnh vực ưu tiên. Ngoài những lĩnh vực ưu tiên đó, các lĩnh vực như y tế, giáo dục cũng sẽ có điều kiện và cơ hội phát triển bằng nội lực của mình, cũng như có thể hợp tác với các DN khác trong và ngoài nước để gia tăng và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Và như vậy, cùng với sự phát triển DN, kinh tế của TP.HCM sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
* Cảm ơn ông!
Theo Doanhnhansaigon