Nhà vườn tiếp tục thua lỗ vì dừa miền Tây lại rớt giá

Hơn một năm nay, nhiều hộ nông dân trồng dừa ở các tỉnh miền Tây đang rơi vào tình trạng khốn đốn vì rớt giá kéo dài, khiến nhà vườn thua lỗ, không đủ chi phí đầu tư cho cây dừa.

Hiện tại, dù đang vào chính vụ nhưng giá dừa miền Tây lại ở mức thấp, thương lái chỉ thu mua 1.500-2.900 đồng mỗi quả.

Thực trạng này đã kéo dài hơn một năm qua, nhiều lần giá dừa đã liên tục lao dốc, có thời điểm chỉ còn 12.000 đồng một chục, tương đương chỉ hơn 1.000 đồng mỗi quả. Do thu nhập thấp, nhiều chủ vườn dừa chọn bón 1 lần phân bón hoặc đốn bỏ những cây dừa lâu năm để trồng những loại cây khác.

dsc09878-jpg-6154-1699361714.jpg
Nhiều hộ trồng dừa ở các tỉnh miền Tây đang rơi vào tình trạng khốn đốn do không tiêu thụ được số lượng dừa đã sản xuất.

Nguyên nhân của việc giá dừa rớt sâu là do đầu năm 2023, Trung Quốc ngừng nhập khẩu nên dừa khô ế ẩm, rớt giá thê thảm. Không những vậy, thương lái từ chối thu mua khiến cho dừa lên mộng, nông dân phải cắn răng bán dừa khô ứ đọng với giá như cho, thậm chí trái dừa lên mộng được xem như thứ vứt đi vì không ai mua, nhất là ở vùng trồng nhiều dừa như miền Tây.

Ngoài ra, sau đại dịch Covid-19, nhiều nước có diện tích trồng dừa lớn như Ấn Độ, Indonesia, Philippines… bị tồn đọng hàng, do đó, dừa xuất khẩu ra thế giới lại không được tiêu thụ mạnh như trước.

Ở thị trường trong nước, do đang vào mùa mưa và mùa trái cây, nên thị trường tiêu thụ dừa rất chậm. Cùng với đó, năng suất dừa hiện nay tăng cao do vào vụ mùa nên nguồn cung dồi dào làm cho giá dừa xuống thấp.

Tại Bến Tre, nơi được mệnh danh là xứ dừa của Việt Nam với hơn 74.000 ha dừa, chiếm 80% diện tích dừa miền Tây và 50% dừa cả nước, cũng không thoát khỏi tình trạng rớt giá sâu. Hiện tại, chất lượng dừa của Bến Tre trong hơn một năm nay đã giảm mạnh bởi nhiều nhà vườn không đủ chi phí để chăm sóc, bón phân. Nhiều chủ vườn quyết định cắt giảm chi phí chăm sóc hoặc đốn bỏ những cây dừa lâu năm để trồng các loại cây khác nhằm cứu vãn thu nhập sau khi liên tục lỗ do rớt giá dừa.

Được biết, chi phí chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho dừa rất tốn kém. Mỗi tháng, sau khi thu hoạch phải bón phân, phun thuốc… cây dừa mới có thể cho năng suất và chất lượng đạt yêu cầu. Trung bình mỗi tháng chi phí cho 1ha vườn dừa của một hộ gia đình từ 4 – 6 triệu đồng. Với giá hiện tại, nông dân đang gặp nhiều khó khăn.

Trước tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đang kêu gọi người dân tham gia các tổ liên kết, hợp tác xã để liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm, đồng thời giá bán được cao hơn, ổn định hơn so với thương lái ngoài thị trường.

Cùng với đó, Bến Tre cũng đã kiến nghị đến các bộ, ngành nhằm xúc tiến thương mại, tiếp cận thêm các thị trường mới nhưng tình hình vẫn còn rất khó khăn. Do đó, người dân trồng dừa chỉ có thể chờ đợi các chính sách hỗ trợ xuất khẩu của Nhà nước và sự mở cửa nhập khẩu trở lại của thị trường Trung Quốc, vốn có sức tiêu thụ lớn, khi đó đời sống người trồng dừa sẽ ổn định trở lại.

Theo doanhnhansaigon