Mất ngủ kéo dài sẽ gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đối với cuộc sống của bạn. Vậy khi bị mất ngủ kéo dài thì cần làm gì?
Khi không được điều trị, tình trạng mất ngủ kéo dài có thể trở thành mất ngủ kinh niên hay còn gọi là mất ngủ mạn tính. Điều trị mất ngủ kéo dài cũng thường khó khăn hơn và đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh nhiều hơn.
Mất ngủ kéo dài là gì ?
Mất ngủ là tình trạng người bệnh bị rối loạn giấc ngủ với nhiều biểu hiện khác nhau như khó ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc, thường xuyên thức dậy vào sáng sớm dù ngủ chưa đủ giấc,… Người bị mất ngủ sẽ cảm thấy buồn ngủ nhưng không ngủ được, cơ thể mệt mỏi, uể oải sau khi thức dậy.
Mất ngủ kéo dài là tình trạng mất ngủ không được điều trị kịp thời, lặp đi lại nhiều lần và kéo dài trên 1 tháng. Tình trạng này được xem là mất ngủ mạn tính, khác với mất ngủ cấp tính (mất ngủ không thường xuyên, kéo dài dưới 1 tháng).
Mất ngủ kéo dài là bệnh gì?
Mất ngủ kéo dài có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm đến sức khỏe. Các bệnh lý dễ dẫn đến triệu chứng mất ngủ bao gồm:
- Bệnh lý tâm thần (rối loạn lo âu, trầm cảm, tâm thần phân liệt,…)
- Các bệnh lý tim mạch (rối loạn nhịp tim, suy tim, xơ vữa mạch máu,…)
- Bệnh dị ứng
- Các vấn đề tuyến giáp
- Bệnh viêm khớp
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Bệnh lý liên quan đến giấc ngủ (mộng du, ngưng thở khi ngủ, chứng hoảng sợ trong giấc ngủ,…)
Nguyên nhân mất ngủ kéo dài
Tình trạng mất ngủ mạn tính, mất ngủ kéo dài có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân mất ngủ kéo dài phổ biến bao gồm:
- Thay đổi nồng độ nội tiết tố: Phụ nữ tiền mãn kinh, phụ nữ gần tới ngày hành kinh, phụ nữ mang thai,… có hàm lượng nội tiết tố thay đổi đột ngột dẫn đến mất ngủ, ngủ không ngon giấc.
- Gặp các vấn đề tâm lý: Người bị sang chấn tâm lý (mất việc làm, người thân qua đời, ly hôn, bị bạo hành,…) hay người gặp nhiều căng thẳng, áp lực trong cuộc sống cũng rất dễ bị mất ngủ kéo dài.
- Điều kiện y tế: Người mắc các bệnh mạn tính hoặc sử dụng các loại thuốc điều trị cũng có thể khiến chất lượng giấc ngủ bị sụt giảm, bị mất ngủ kéo dài nhiều tháng.
- Tuổi tác: Tuổi tác là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng mất ngủ. Theo đó, người cao tuổi sẽ dễ bị mất ngủ kéo dài và khó khắc phục hơn so với người trẻ tuổi.
- Rối loạn giấc ngủ: Người gặp hội chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân bồn chồn, chứng hoảng sợ trong giấc ngủ,… đều có nguy cơ cao bị mất ngủ.
- Yếu tố môi trường: Phòng ngủ không cách âm, ánh sáng phòng ngủ quá sáng, nhiệt độ phòng ngủ quá cao hoặc quá thấp,… là những yếu tố có tác động đến giấc ngủ của bạn, khiến bạn dễ bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc.
Mất ngủ kéo dài nguy hiểm như thế nào?
Không chỉ là chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng mà có rất nhiều hệ luỵ phía sau việc mất ngủ. Trong đó, dễ thấy nhất chính là việc mất ngủ sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ vào ban ngày khiến bạn không thể tập trung làm việc hay học tập được. Điều này sẽ khiến hiệu suất làm việc suy giảm, chất lượng công việc không đảm bảo, gián tiếp ảnh hưởng đến kinh tế của bạn, khiến bạn đối diện với nguy cơ mất việc, bị đuổi việc,…
Ngoài ra, kém tỉnh táo có thể khiến bạn không tập trung lái xe, dẫn đến tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến cả tính mạng bản thân và những người khác.
Tác hại của việc mất ngủ kéo dài cũng dễ khiến bạn suy nhược cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, khiến bạn luôn trong trạng thái bực bội, cáu gắt, không kiểm soát được cảm xúc. Lúc này, các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, công việc,… của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Điều trị mất ngủ kéo dài như thế nào?
Mất ngủ khi nào cần đi gặp bác sĩ để thăm khám?
Khi bị mất ngủ, nhiều người có xu hướng tự mua thuốc ngủ để sử dụng tại nhà hay sử dụng các loại thảo dược, thực phẩm chức năng để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên cần lưu ý rằng các biện pháp chữa mất ngủ tự nhiên chỉ có thể áp dụng được trong trường hợp thỉnh thoảng mới bị mất ngủ hay còn gọi là mất ngủ cấp tính.
Nếu bị mất ngủ kéo dài, mất ngủ mạn tính, tình trạng mất ngủ diễn ra liên tục từ 3 lần/tuần trở lên và kéo dài trên 1 tháng thì tốt nhất không nên tự áp dụng các cách điều trị mất ngủ kéo dài tại nhà mà tốt nhất nên đế bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán tình trạng sức khỏe, tìm ra nguyên nhân bệnh để kịp thời điều trị.
Ngoài ra, nếu tình trạng mất ngủ kéo dài làm ảnh hưởng đến các hoạt động của bạn vào ban ngày, khiến chất lượng cuộc sống suy giảm thì cũng không nên chủ quan mà hãy đến cơ sở y tế khám bệnh càng sớm càng tốt bạn nhé!
Chẩn đoán tình trạng mất ngủ
Để chẩn đoán mất ngủ kéo dài, bác sĩ sẽ tìm hiểu tiền sử bệnh xem thời gian đi vào giấc ngủ của bạn là bao lâu, bạn có hay tỉnh giấc giữa đêm hoặc có những giấc ngủ ngắn, khó ngủ lại sau khi tỉnh giấc hay không, tình trạng này đã kéo dài trong bao lâu, có từng thử áp dụng các biện pháp điều trị rối loạn giấc ngủ hay không.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng yêu cầu người bệnh cung cấp các thông tin như hiện tại có bệnh gì không, có đang sử dụng thuốc không, trước khi ngủ thường ăn uống như thế nào,…
Và để chẩn đoán chính xác tình trạng mất ngủ kéo dài, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các biện pháp chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang đầu, chụp CT hoặc MRI não bộ.
Điều trị mất ngủ kéo dài
Việc khắc phục chứng mất ngủ mạn tính sẽ dựa trên những nguyên nhân gây mất ngủ. Theo đó, bác sĩ sẽ cố gắng để điều trị triệt để từ nguồn gốc gây bệnh. Trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc hỗ trợ giúp bạn ngủ ngon giấc hơn.
Ngoài ra, cần lưu ý để điều trị và phòng tránh mất ngủ kéo dài, nên xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ưu tiên thực phẩm tốt cho giấc ngủ như: các loại cá béo, quả óc chó, chuối, kiwi, hạnh nhân, bột yến mạch,… Bên cạnh đó, nên hạn chế uống trà và cà phê sau 14 giờ để dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
Việc tập thể dục, hoạt động thể chất cũng giúp bạn ngủ ngon hơn. Nếu tập thể dục vào buổi tối, không nên tập sau 20 giờ và chú ý lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng như thiền, đi bộ.
Mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến suy nhược cơ thể và dẫn đến hàng loạt rắc rối trong cuộc sống. Hy vọng thông qua bài viết bạn có thể biết được khi nào là mất ngủ kéo dài và điều trị, khắc phục tình trạng này như thế nào. Chúc bạn có những giấc ngủ ngon hằng đêm và luôn tràn đầy năng lượng mỗi khi thức dậy vào buổi sáng nhé!
Theo mevacon