Cuộc chiến về chip

Ngành chip – một ngành công nghiệp đã trở thành điểm nóng địa – chính trị, do nhu cầu tăng cao.

Có vai trò then chốt trong việc làm ra các sản phẩm và linh kiện công nghệ, ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng trở thành lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa các nước phát triển và trong một số trường hợp đã trở thành “vũ khí” trong cuộc chiến tranh thương mại giữa các cường quốc.

cuoc chien ve chip
Chip bán dẫn có vai trò cốt lõi trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng

Công nghệ bán dẫn cạnh tranh quyết liệt

Ngày 15/12/2022, Mỹ lại thêm nhà sản xuất chip YMTC và 35 công ty của Trung Quốc vào “danh sách đen” về thương mại, động thái được cho là nhằm hạn chế các công ty này tiếp cận với công nghệ và linh kiện của Mỹ. Giới chính trị Mỹ cho rằng YMTC là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ, nên Washington cần phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn Bắc Kinh giành được lợi thế quân sự hoặc kinh tế.

Cách đây hai tháng, Mỹ đã thông qua một loạt quy định hạn chế nhằm vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Theo giới phân tích, nỗ lực nhằm phát triển chuỗi cung ứng chip tự cung tự cấp của Bắc Kinh đang đối mặt với những thách thức ngày càng lớn, khi Mỹ và các đồng minh bao gồm Hà Lan và Nhật Bản cùng nhau hạn chế quyền tiếp cận của doanh nghiệp Trung Quốc với công nghệ bán dẫn tiên tiến của họ, khiến các công ty Trung Quốc gần như không thể mua linh kiện quan trọng từ nước ngoài để sản xuất chất bán dẫn.

Gần đây hơn, Foxconn Industrial Internet – công ty con của Foxconn được niêm yết tại Trung Quốc, cho biết sắp bán cổ phần thiểu số gián tiếp tại “gã khổng lồ” bán dẫn của Trung Quốc – Tsinghua Unigroup. Trong thông báo ngày 17/12/2022, cơ quan kinh tế của Đài Loan cho biết họ sẽ phạt Foxconn vì đầu tư vào Unigroup mà không thông báo trước. Foxconn là nhà sản xuất iPhone theo hợp đồng lớn nhất thế giới và là công ty vận hành một số nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc đại lục.

Ngày 13/12/2022, Rapidus – nhà sản xuất chip mới thành lập và được Chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn, cũng đã công bố hợp tác với IBM để sản xuất loại chip tiên tiến nhất thế giới tại Nhật Bản từ nửa cuối thập niên này. Nhật Bản từ lâu đã mất vị trí dẫn đầu trong sản xuất chip, đặc biệt là chất bán dẫn tiên tiến, vì vậy nước này cũng đang gấp rút bắt kịp đối thủ để đảm bảo các hãng ô tô và công ty công nghệ thông tin không bị thiếu linh kiện quan trọng này.

Tháng 8/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật mang tính bước ngoặt nhằm cung cấp 52,7 tỷ USD cho việc sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn tại Mỹ, cũng như ưu đãi thuế cho các nhà máy sản xuất chip với giá trị ước tính 24 tỷ USD, với mục tiêu thúc đẩy ngành sản xuất chip bán dẫn trong nước để giảm phụ thuộc vào nước ngoài.

Sau quyết định này, một số hãng sản xuất chip lớn của Đài Loan, Hàn Quốc đồng loạt công bố khoản đầu tư trị giá hàng chục tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Mỹ.

Cụ thể, nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan mới đây thông báo tăng gấp ba khoản đầu tư, lên 40 tỷ USD để xây dựng một nhà máy mới sản xuất chip công nghệ cao tại bang Arizona (Mỹ), chuyên sản xuất chip 3nm – loại chip tiên tiến nhất hiện nay vào năm 2026.

E ngại từ Trung Quốc

Phản ứng trước các chính sách của Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 13/12/2022 cho biết đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm chống lại các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ. Cơ quan này cũng cho rằng, lệnh hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu.

Chẳng những vậy, Bắc Kinh đang “gom tiền” cho gói hỗ trợ hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 143 tỷ USD dành cho ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là một trong những gói ưu đãi tài chính lớn nhất của Trung Quốc và được phân bổ trong 5 năm, chủ yếu dưới dạng trợ cấp và ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước. Gói ưu đãi có thể được giải ngân trong quý I/2023.

Trung Quốc từ lâu đã tụt hậu trong lĩnh vực thiết bị sản xuất chip – lĩnh vực vẫn bị chi phối bởi các công ty có trụ sở tại Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan. Trung Quốc đang có cách tiếp cận trực tiếp hơn trong việc định hình tương lai của ngành chip, một ngành công nghiệp đã trở thành điểm nóng địa – chính trị do nhu cầu tăng cao và được Bắc Kinh xem là nền tảng cho sức mạnh công nghệ. Điều này có thể làm gia tăng mối lo ngại ở Mỹ và các đồng minh về năng lực cạnh tranh của Trung Quốc trong ngành chip.

Tuy nhiên, do phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, Trung Quốc cũng gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn dẫn đầu trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. Đầu tháng 7 vừa qua, Li Yizhong – người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin từ năm 2008-2010 cho biết, Trung Quốc phải nỗ lực gấp đôi để bắt kịp sản xuất chất bán dẫn và vật liệu để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ sản xuất được loại chip 28nm được sử dụng chủ yếu trong thiết bị viễn thông, ô tô và điện tử tiêu dùng.

Theo Doanhnhansaigon