Làng nổi Châu Đốc – An cư trên sự bềnh bồng, lạc nghiệp trên sự lênh đênh

Làng nổi Châu Đốc hiện tại thật ấn tượng với muôn vàn sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng, lục, lam, cam … Điều này đã khiến cung đường thuỷ đi qua An Giang nổi bật một vùng trời Miền Tây Nam Bộ và cũng trở thành điểm check-in nổi tiếng, thêm một bước chuyển cho ngành du lịch xứ này. 

làng nổi Châu Đốc
Làng nổi Châu Đốc hiện nay. (Nguồn hình từ internet)

Được biết, ngày 20.09 vừa rồi, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang đã chính thức đưa vào vận hành dòng sông sắc màu dài hơn 1km, từ ngã ba sông Châu Đốc đến làng Chăm ở thượng nguồn sông Hậu. Dự án này có nhiều giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 sẽ có 161 nhà bè được sơn lần lượt theo thứ tự: đỏ – vàng – cam – lục – lam – tím.

Những chiếc áo mới này thổi vào “ngôi” làng nổi một tinh thần tươi trẻ đầy hứa hẹn trở thành một điểm du lịch độc đáo thu hút nhiều du khách. Đó là những căn nhà bè xếp trật tự cạnh nhau dọc sông, là nhà hàng, là homestay, … Ấy vậy mà lại khiến tôi nhớ lại khung cảnh mộc mạc, bình dị trước kia, thời điểm vừa sang xuân đầu năm nay. Chắc chắn, tôi sẽ quay lại làng nổi này sau khi dự án đã đi vào hoạt động bình ổn để trải nghiệm cảm xúc của mình về văn hoá làng chài có còn như xưa hay theo cách nào đó tốt hơn chăng …

(Hình do tác giả chụp)

Nhưng hôm nay, tôi chia sẻ những cảm nhận những nét đẹp văn hoá khi chưa được bao phủ màu sắc hào nhoáng, cũng rất thú vị.

Vì sao làng nổi vẫn tồn tại đến nay dù làn sóng đô thị hóa đã tác động rất mạnh mẽ?

Không biết chính xác Làng nổi Châu Đốc hình thành từ lúc nào, nhưng những “căn nhà nổi” bắt đầu xuất hiện từ khoảng những năm 60 của thế kỷ trước. Những cư dân đầu tiên là các gia đình mưu sinh bằng nghề nuôi cá nước ngọt nên chọn cuộc sống trên sông nước.

Ban đầu, chỉ có vài căn nhà được cất đơn lẻ, rải rát và hầu như đều nuôi cá tự nhiên sẵn có trên sông. Nguồn tài nguyên ấy đã mang lại lợi nhuận kinh tế rất tốt nên ngày mỗi thu hút thêm nhiều người đến dựng nhà trên sông và theo nghề nuôi cá này. Trong khoảng từ năm 1990 đến 2005 được xem là thời kỳ “bùng nổ dân số” của Làng nổi với hơn 2000 hộ gia đình cùng sinh sống trải dọc sông đi qua Phú Tân – Châu Phú – Vĩnh Ngươn – Chợ Mới. Và đây cũng là giai đoạn “hoàng kim” của nghề nuôi cá nước ngọt với sản lượng lên đến 20.000 tấn/ năm.

(Hình do tác giả chụp)

Thế nhưng, những năm gần đây, với những biến đổi sâu sắc của thị trường, nguồn nước bị ô nhiễm, nghề nuôi cá bị tác động nặng nề. Nhiều gia đình giảm thu nhập, thậm chí là phá sản đã dần rời bỏ sông nước để lên bờ kiếm sống bằng nghề khác hợp thời hơn.

Làng nổi lênh đênh gần một trăm năm trên sống với biết bao câu chuyện thăng trầm của người dân. Dù có nhiều biến động, không ít người rời bỏ “mảnh đất” bồng bềnh này nhưng cũng rất nhiều gia đình gắn bó qua bao thế hệ.

Một căn nhà bè Châu Đốc (Hình do tác giả chụp)

Điều gì khiến họ vẫn bám vào “sự lênh đênh” này để an cư lạc nghiệp?

Đầu tiên có lẽ là do thói quen. Có nhiều đại gia đình với 2 – 3 thế hệ đã sinh sống trên căn nhà dập dìu ấy, có thể tách ra riêng với căn nhà bé hơn nhưng vẫn bám trụ trên những con nước. Dù có còn giữ nghề nuôi cá “truyền thống” hay đã chuyển nghề thì cũng ít người từ bỏ ngôi làng nổi với nếp sống thân thuộc này.

Điều thứ hai, có lẽ là bởi giới hạn về kinh tế và giá trị nhà đất đắt đỏ ngày mỗi tăng. Sống trên sông, họ vẫn an cư mà không phải vật lộn với những chi phí khổng lồ như mua đất, xây nhà, … Cuộc sống hoà hợp với sông nước và thiên nhiên là lối sống tối ưu, ít chi phí nhất và thuận lợi, đặc biệt nếu họ vẫn duy trì việc kinh doanh bè cá.

Làng nổi Châu Đốc An Giang

Cuối cùng, mở ra cơ hội kinh doanh mới đó là dịch vụ du lịch trải nghiệm văn hoá sông nước. Nhiều căn nhà bè đã được chỉnh trang thành nhà hàng nổi, homestay nghỉ dưỡng, … Thưởng thức các món ăn đặc sản miền Tây trong khung cảnh bốn bề sóng dịu êm, trong làn gió mát với những điệu hò ngọt ngào lúc xa lúc gần, … đó là một hoạt động trải nghiệm du lịch mới lạ, thu hút rất nhiều du khách yêu thiên nhiên và thích khám phá bản sắc văn hóa đồng bằng sông Cửu Long.

Làng nổi Châu Đốc xứng đáng là một “di sản văn hoá lối sống” đặc trưng của miền Tây Nam Bộ cần được bảo tồn

Những căn nhà bè  trong “khu làng nổi” này khiến tôi liên tưởng đến houseboat sang trọng rất phổ biến ở các nước phương Tây. Thực chất, cảm xúc trải nghiệm cuộc sống có phần tương đồng, có nhiều giá trị sống mà tiền chưa chắc đã mua được và không thể cảm nhận khi sống trên mặt đất.

Hầu hết nhà cửa Làng nổi Châu Đốc được làm bằng gỗ, hoặc sau này còn kết hợp với tôn kim loại để tiết kiệm chi phí; cũng có đầy đủ tiện ích như một căn nhà bình thường trên mặt đất như: phòng khách, bếp, phòng ăn, nhà vệ sinh, phòng ngủ, khu thờ tự, thậm chí là balcony thơ mộng với cây xanh …

Làng nổi đẹp nhất khi ngắm từ trên cao hoặc từ phía xa, các nhà có kết cấu tương tự nhau nằm san sát; đan xen là những mảng xanh lục bình trôi lững lờ tự như “công viên cây xanh” trong một khu đô thị yên bình.

khu đô thị bè nổi Châu Đốc

Buổi chiều có vẻ là khoảng thời gian thanh thơi nhất của người dân Làng nổi nên họ dường như được là chính mình, thể hiện rõ nếp sống bình dị nhưng vô cùng viên mãn sau một ngày làm việc chăm chỉ. Con trẻ nô đùa, cút bắt trên sông bằng cách bơi lội. Phụ nữ thong thả nhặt rau, làm cá bên hiên nhà chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình, thi thoảng lại ngẫu hứng vài ba câu hò miền Tây ngọt ngào. Cánh đàn ông lúi húi sửa máy, chăm sóc con thuyền gỗ cập bên hông nhà, cho cá ăn, vá lưới để chuẩn bị cho ngày làm việc hôm sau. Các cụ già thì trò chuyện rôm rả bên ấm trà, vừa trông coi những đứa cháu nhỏ ngồi chơi bên cạnh.

sinh hoạt làng bè

Tất cả, từng cảnh vật quá đỗi bình thường lại vẽ lên một bức tranh văn hoá cuộc sống đặc biệt và đáng quý vô giá. Một vẻ đẹp không xa hoa, chẳng hào nhoáng, không hề sang trọng nhưng có vô vàn điểm chạm cảm xúc len lỏi khiến bất kỳ ai cũng thấy bình yên đến lạ.

Theo DNPlus