“Sơn kỳ thuỷ tú” là mỹ từ được gắn với vùng đất An Giang. Nào là rừng tràm Trà Sư xanh mát, núi Cấm hùng vĩ, cánh đồng Tà Pạ thơ mộng, “tuyệt tình cốc” huyền bí, chùa Khmer cổ kính, … Và không thể không nhắc đến rừng thốt nốt yên bình gợi lên cảm xúc ngọt ngào và xốn xang.
Vô vàn những bức hình đẹp, nhiều góc chụp thú vị với bao nhiêu lời ngợi ca về vẻ đẹp của những hàng cây thốt nốt cao lớn vươn mình kiêu hãnh giữa cánh đồng xanh bạt ngàn. Khó ai vượt qua được sự cuốn hút của khung cảnh ấy và muốn mình là một phần của cảnh sắc tuyệt đẹp ấy ít nhất một lần trong đời.
Tôi cũng mang tâm trạng háo hức theo cùng chuyến xe xuôi về miền tây trong một ngày đầu hạ. Thú vị hơn nữa, đấy là dịp tết Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer. Thế nhưng, nằm ngoài mong đợi, một cảm xúc rất khác chợt đến cuốn tôi theo ánh nắng mùa hè. Thăm Tri Tôn không vào thời điểm “mê ly” như mọi người vẫn thích mà lại vào mùa oi bức, thiêu đốt cả đất trời. Những cánh đồng khô cháy, vắng bóng màu xanh của lúa, chỉ còn những hàng thốt nốt nương tựa nhau giữa khoảng không vàng khét.
Thay vì cảm giác thất vọng, khó chịu hay bực bội. Tôi lại thấy thương vùng đất này đến lạ. Xa xa, dưới cái nắng như thiêu như đốt, thấp thoáng bóng người gầy guộc “đu” trên thân thốt nốt để thu hoạch – mỹ vị nhân gian tuyệt hảo của mùa hè khô cằn. Một nốt lặng, nể phục những nỗ lực của con người Tri Tôn để có thể sống chan hoà với thiên nhiên và đất trời. Dù chẳng có màu xanh tươi mát, thơ mộng của cánh đồng lúa; cũng không một con nước hắc bóng lãng mạn ánh bình minh hay hoàng hôn nhưng khung cảnh vẫn khiến con tim rung động trước vẻ đẹp khắc khoải, vẫy vùng trong mùa hạn mặn.
Thấp thoáng những “bác trâu chú bò” ốm “trơ xương” vất vả tìm kiếm những cọng cỏ tươi ngon nhưng vẫn thong dong thư thái giữa đồng khô. Đám gà con thì cứ lon ton theo mẹ dạo từ bụi cỏ này sang gốc cây kia, hứng chí lại mon men đến làm quen với ông trâu già đang ung dung ngắm cảnh, … Tất cả tạo nên một bức tranh đồng quê sắc vàng rực cháy nhưng cũng rất đỗi bình yên.
Khắc nghiệt là thế nhưng đây lại mà mùa đặc sản, thời điểm lên ngôi của những hàng cây thốt nốt. Tháng mùa nắng khô như thế này, nước thốt thơm ngon và ngọt nhất, đường thốt nốt bước vào mùa bội thu, cơm thốt nốt dày dẻo và thanh mát, … Có lẽ, đấy là sự bù đắp của tạo hoá cho mùa nắng hạn khó khăn cho trồng trọt, chăn nuôi.
Thương miền Tây mùa hạn, yêu rừng thốt nốt bừng sắc đẹp của sự bền chí trong màu nắng hạ!
Theo Doanhnhanplus