Cuối tuần, ngồi cà phê với một vài doanh nhân, một chủ đề khá rôm rả được đem ra mạn đàm: Bằng cấp thời nay.
Giám đốc một công ty may mặc xuất khẩu tại TP.HCM mở đầu với câu chuyện “trong nhà”, chị tâm sự: “Tôi và con gái đang xảy ra chiến tranh “lạnh” vì tôi muốn con phải đi học tiếp thạc sĩ, rồi tiến sĩ. Xã hội càng phát triển, bằng cấp sẽ càng quan trọng và là thước đo giá trị, năng lực của người này với người khác. Thế nhưng, con gái tôi lại nhất quyết đòi đi làm vì cho rằng, bằng cấp không quan trọng bằng năng lực làm việc thực sự. Lại còn đưa ra dẫn chứng, có mấy chủ doanh nghiệp có bằng tiến sĩ, thạc sĩ đâu mà họ vẫn dẫn dắt cả tập đoàn kinh doanh thành công, lại còn có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn nếu công ty càng lớn.
Tiếp lời, giám đốc tiếp thị một công ty du lịch tại TP.HCM cũng kể: “Bà xã cũng đang khuyên tôi đi học thêm MBA (Thạc sĩ) để có cơ hội thăng tiến vì quả quyết, có tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ công việc kinh doanh sẽ thành công nhanh hơn”.
Đưa ra câu chuyện ở công ty có tới 5 nhân sự ứng cử vào vị trí lãnh đạo với bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ nhưng năng lực và khả năng làm việc thực tiễn không bằng một nhân sự chỉ có kinh nghiệm tuổi nghề và luôn chịu khó học hỏi, tư duy sáng tạo trong công việc. Trưởng phòng nhân sự một công ty XNK tại Đồng Nai khẳng định: “Việc học là cần thiết, nhưng bằng cấp thì chưa hẳn sẽ “làm được gì”.
Ở Mỹ, năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp như: Google, Hãng hàng không Delta Air Lines, Tập đoàn công nghệ IBM cũng đã giảm yêu cầu về trình độ học vấn đối với một số vị trí nhất định và tuyển dụng theo hướng tập trung nhiều hơn vào kỹ năng và kinh nghiệm.
Bridgette Grey, giám đốc phụ trách khách hàng của Opportunity@Work, cho biết, có khoảng 70 triệu người Mỹ trên 25 tuổi đang tham gia lực lượng lao động và không có bằng đại học.
Theo báo cáo của Burning Glass Institute, đơn vị chuyên nghiên cứu các khía cạnh của thị trường lao động, tỷ lệ phần trăm công việc yêu cầu bằng đại học giảm từ 51% (năm 2017) xuống 44% (năm 2021).
Nói vậy để thấy, xu hướng ưu tiên kinh nghiệm hơn bằng cấp khá rõ ràng tại thị trường lao động ở nhiều quốc gia.
Trong khi tại Việt Nam, vẫn còn nhiều người “đua nhau” đi học để có bằng tiến sĩ nọ, thạc sĩ kia với mong muốn có được tấm giấy “thông hành” bằng cấp để nhanh chóng được đề bạt, bổ nhiệm, cất nhắc và có cơ hội, vị trí hơn người.
Xu hướng chạy theo bằng cấp trong tuyển dụng, bổ nhiệm nơi cơ quan công quyền trở thành “phong trào” là chuyện đã đành, nhưng trong giới doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp, cũng có không ít người cũng vào cuộc chạy đua. Có một thời tại các cuộc hội họp, hội thảo, không khó để thấy những tấm danh thiếp tiến sĩ, thạc sĩ… được trao tay cứ như nấm sau mưa.
Thực tế cũng đã có khá nhiều các luận án tiến sĩ được bảo vệ “thành công” nhưng hầu như rất thiếu “chất xám” khoa học và giá trị không xứng tầm, nếu không nói còn có nhiều luận án khá khôi hài, gây “xôn xao” dư luận một thời như luận án “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức…”.
Dù chất lượng nghiên cứu, học tập “chẳng ra sao” nhưng các “tiến sĩ giấy” vẫn được “ra lò” đều đặn mỗi năm. Vậy nên, mới có chuyện đả kích, phê phá nạn “tiến sĩ giấy” là vậy.
Công cuộc hội nhập, phát triển đất nước đang đòi hỏi phải có một tầng lớp trí thức, các nhà khoa học ngang tầm quốc tế và khu vực. Như vậy, bằng cấp không phải không cần nhưng “căn bệnh” bằng cấp hoặc những tiến sĩ, thạc sĩ… giấy chỉ mong có tấm bằng để “khoe mẽ” hay tìm ghế thăng tiến thì không cần chút nào.
Mới đây, tại một buổi giao lưu với bạn trẻ khi được hỏi “Bằng cấp của lãnh đạo có thật cần?”, TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, chúng ta nên bỏ tư duy bằng cấp. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không học hỏi mỗi ngày. Các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Steve Jobs, Michael Dell, Bill Gates và Mark Zuckerberg đều bỏ học để theo đuổi ước mơ thành lập doanh nghiệp của riêng mình. Họ đều có thể mắc sai lầm, đặc biệt là khi mới bắt đầu khởi nghiệp nhưng đã trưởng thành thông qua quá trình học hỏi, trải nghiệm.
Bill Gates là một ví dụ. Dù không bằng cấp nhưng ông ta là một người chịu học suốt đời và đã đặt ra tiêu chí trong một tháng phải đọc ít nhất mười cuốn sách. Sau này, Bill Gates lại tiếp tục viết sách, để tiếp tục học và chia sẻ kinh nghiệm.
Hay như một hình mẫu gần gũi nhất với chúng ta, đó là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bác Sáu Dân). KTS Ngỗ Viết Nam Sơn kể: “Dù không có bằng cấp cao, không phải tiến sĩ nhưng trình độ của cố Thủ tướng không thua gì những tiến sĩ. Bởi bác học suốt đời và hay đặt những câu hỏi rất khó trả lời. Khi bác nói chuyện với những chuyên gia, tiến sĩ về kế hoạch kiến trúc, ai cũng phải thừa nhận: “Bác chỉ đạo như một giáo sư”.
Vì thế, những nhà lãnh đạo tương lai, những giám đốc tương lai không nhất thiết phải có bằng cấp cao mà chỉ cần là những người có trí tuệ, kinh nghiệm, tư duy, chịu học hỏi và làm được việc thực sự.
Không ai tài giỏi để biết hết mọi thứ nên chúng ta rất cần những con người, những nhà lãnh đạo biết kết nối mọi người với nhau, biết trân trọng kiến thức và kết nối những người tài để chung tay thực hiện những dự án. Và lúc đó, đánh giá thành quả của người lãnh đạo không còn là bằng cấp mà là họ đã làm được gì cho công ty.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn