Chưa có điều tra xem con nhà doanh nhân nghiện Internet khác với dân thường như thế nào, có “máu kinh doanh” như cha mẹ để quan tâm lĩnh vực kinh doanh, hay cũng như mọi trẻ khác với đặc điểm chung là chơi trò chơi điện tử và chat là chính.
Con của doanh nhân đang là “thành viên” nằm trong con số do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra: 75% trẻ em tiếp xúc với những phản cảm trên mạng xã hội. Con số ấy ở Việt Nam là 53% nữ và 65% nam trẻ em tìm gặp ngoài đời bạn trên mạng.
Những nguy cơ ai cũng biết và sợ trẻ em dùng mạng xã hội: bị lừa, đánh cắp thông tin cá nhân, bị bắt nạt, đe dọa, tung tin nhạy cảm, bị ảnh hưởng bởi tin giả. Chứng nghiện Internet và những bệnh thực thể dẫn tới thiếu vận động, hỏng mắt và xương khớp.
Và con số thừa nhận bất lực: 75% phụ huynh không thể kiểm soát con cái nghiện Internet, không biết chúng làm gì suốt ngày trên đó.
Việt Nam có 24,7 triệu trẻ em, chiếm 25% dân số và 2/3 trong số đó dùng Internet. Báo chí đưa tin trẻ em Việt Nam dùng điện thoại từ 9 tuổi, sớm hơn mức bình quân trên thế giới 4 năm.
Lý do ai cũng biết, Internet có cả tích cực và tiêu cực, dễ lan truyền, khó kiểm soát. Ngoài lý do bận rộn kiếm sống, cha mẹ còn có khi mù tịt công nghệ, biết gì mà kiểm soát con cái trên mạng?
Vấn đề nan giải “tầm thời đại” là các bậc cha mẹ vừa muốn con giỏi công nghệ, vừa lo không ngăn được độc hại. Xem bộ phim Mỹ nói về anh chàng rất giỏi công nghệ phạm tội, đến nỗi cảnh sát không những phải chịu thua khi anh ta thách “Catch me if you can” (Bắt tôi đi nếu anh có thể), mà còn phải tận dụng sự thông thái của anh ta để làm tốt nghiệp vụ, cho thấy tính khó khăn của vấn đề “có tài thì có tật” nó gay cấn thế nào.
Các bậc cha mẹ đều muốn được xã hội hỗ trợ chứ gia đình không ngăn nổi con cái nghiện Internet. Nhà trường thì đang nặng về dạy công nghệ thông tin chứ ít dạy cách sử dụng Internet an toàn. Cục An toàn thông tin về quản lý truy cập Internet cho trẻ nhỏ đưa ra giải pháp bật chế độ hạn chế (kiểm soát nội dung hiển thị trên YouTube), sử dụng ứng dụng YouTube Kids – nội dung an toàn, hẹn giờ, đặt mật khẩu, kiểm soát lịch sử đã xem…
Năm 2021, Chính phủ đã duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên môi trường mạng”, trong đó ngoài các chính sách và kỹ thuật thì việc giáo dục nâng cao nhận thức cho trẻ em được nhấn mạnh.
Gia đình giáo dục con em biết kỹ năng đúng sai: Pháp và nhiều nước châu Âu từng cấm trẻ dưới 13 tuổi dùng mạng xã hội. Phải khai báo độ tuổi khi dùng Snapchat (nền tảng trẻ em phương Tây ưa chuộng). Phải dùng tính năng Family Center cho phép phụ huynh kiểm soát một phần dùng mạng xã hội của con cái.
Úc xem trọng vai trò của gia đình: khi con còn nhỏ, cha mẹ quy định nội dung, thời gian dùng Internet. Con lớn hơn được hướng dẫn quy tắc dùng thiết bị điện tử. Họ cũng đưa kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội vào trường học.
Mới đây nhất, Trung Quốc đã có những biện pháp và quy định mới về giờ giấc cho trẻ em vào mạng.
Gia đình doanh nhân có điều kiện hơn về sự hiểu biết, khả năng công nghệ bởi có điều kiện trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, cho con cái tiếp xúc sớm với thiết bị điện tử. Có bà mẹ còn tự hào con mình “bắt trend nhanh”.
Nhiều nhà trang bị cho ông bà già, trẻ em điện thoại, máy tính bảng, laptop, có thể cả phương tiện làm video. Phong trào làm YouTube nở rộ, nhiều người còn làm video để kiếm tiền đã là khá phổ biến.
Trình độ công nghệ của cả xã hội đã khá, nói gì đến gia đình doanh nhân – những người làm kinh doanh hiểu biết thị trường, tiếp cận các trào lưu tiêu dùng hiện đại.
Gia đình doanh nhân có thuận lợi là trình độ tốt, trang bị công cụ dễ dàng nhưng cái khó là họ thiếu thời gian.
Truyền thông đã bàn bạc quá nhiều về chuyện cha mẹ dành thời gian cho con cái, đặc biệt đó là khó khăn của doanh nhân do bận rộn với thương trường.
Chả thế mà một dạo doanh nhân chơi với con thôi đã thành tin hot như “đại gia X vui cùng con”, như “chiều con như đại gia Y” và được xem như những “ông bố quốc dân”.
Thử hỏi doanh nhân về cách kiểm soát con cái vào mạng, nhiều vị bảo: Biện pháp có cả đấy. Dùng ứng dụng Nexta Edu (ứng dụng miễn phí quản lý và chặn thông tin độc hại) đối với con. Vấn đề là cha mẹ có làm, có quan tâm không thôi.
Với người khác, khi được hỏi thì lại bảo: Thời gian eo hẹp quá, lo làm ăn. Cần giải pháp gốc là từ nhà mạng. Chứ ngay cả người lớn còn khiếp vía, sợ cả nghe điện thoại. Lừa đảo, dọa dẫm, mời mua, giả cơ quan chức năng, ngân hàng, doanh nghiệp. Do đó, một trong các trụ cột của chuyển đổi số là an ninh số.
Người khác lại băn khoăn: Cha mẹ kiểm soát sao hết. Nên hướng dẫn con chứ không nên xâm nhập quyền riêng tư của trẻ.
Người làm cha mẹ – không chỉ doanh nhân – cần quan tâm, biết cách và dành thời gian để giúp con cái trước mặt trái đến từ công nghệ.
Theo Doanhnhansaigon