Vàng sẽ tăng giá đến bao nhiêu?

Theo chuyên gia, giá vàng trong thời gian tới về mặt nguyên tắc sẽ có chiều hướng tăng lên, nhưng mức tăng không quá lớn, các nhà đầu tư nên hết sức chú ý trong quá trình đầu tư vàng.

Giá vàng vẫn tăng không ngừng

Kết thúc tuần vừa rồi (4/3-9/3), giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết giá tại 79,5-82 triệu đồng/lượng (mua – bán), là mức giá cao nhất từ đầu năm tới nay của kim loại này. Đầu tuần, vàng miếng mở cửa được giao dịch tại 78,2-80,2 triệu đồng/lượng (mua – bán). Như vậy, sau một tuần giao dịch, giá chiều mua đã tăng 1,3 triệu đồng còn giá chiều bán tăng 1,8 triệu đồng. Chênh lệch 2 chiều mua – bán tăng từ 2 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng.

Tương tự, giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh với giá chốt tuần tại 68,35-69,7 triệu đồng/lượng (mua – bán). Phiên ngày thứ 7, có thời điểm vàng nhẫn vượt 71 triệu đồng ở chiều bán, lập kỷ lục mọi thời đại, cũng là vùng giá cao nhất mà vàng nhẫn có được từ trước đến nay.

So với hồi đầu năm, giá vàng nhẫn tăng gần 8 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng 13%. Còn nếu chỉ tính riêng trong tuần này, vàng nhẫn trơn tại các doanh nghiệp trong nước có mức tăng khoảng 2,5-3 triệu đồng/lượng.

Vàng sẽ tăng giá đến bao nhiêu?- Ảnh 2.
Giá vàng miếng dự báo còn nhiều biến động.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho rằng, do lãi suất liên tục giảm, đầu tư khó khăn nên dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý. Tâm lý “mua vàng còn giữ được giá” khiến nhiều người lựa chọn vàng để đầu tư. Nguyên nhân khác là giá vàng tăng mạnh do vàng SJC không được Nhà nước cho nhập thêm, thị trường chỉ có mua đi bán lại vàng SJC cũ. Cầu tăng, cung không có thì đương nhiên giá tăng cao.

Tại Việt Nam, tháng 1 âm lịch là thời điểm mua vàng cầu may diễn ra khá nhiều, không chỉ vàng SJC mà cả vàng nhẫn cũng có sự tăng giá. Chính tâm lý đám đông khi nhiều người tham gia vào thị trường thì càng đẩy giá vàng SJC cùng vàng nhẫn lên mức rất cao. Đặc biệt, giá vàng hiện nay của Việt Nam đang cách khá xa so với giá vàng thế giới, nhất là vàng SJC chênh lệch tới 20 triệu đồng một lượng, chưa kể độ vênh giữa mua vào và bán ra quá lớn, tiềm ẩn rủi ro khi nhà đầu tư cần bán để thu hồi vốn.

Theo chuyên gia, việc giá vàng trong nước chênh lệch quá nhiều so với vàng thế giới là hiện tượng đáng quan tâm, bởi nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì sẽ tạo cơ hội cho việc đầu cơ và buôn lậu vàng. Khi thấy vàng trong nước cao, các đối tượng này sẽ tìm cách đưa vàng thế giới vào trong nước để bán cao hơn nhằm thu lời.

Việc này cũng kéo theo gây thiệt hại ngoại tệ cho nước ta do không kiểm soát được lượng vàng nhập khẩu. Ngoài ra, nếu thị trường có chênh lệch cao như thế thì sẽ rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là những người đã đầu tư từ trước đó.

Giá vàng sẽ tăng đến bao nhiêu?

Phân tích về thị trường vàng trong nước, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng việc các tổ chức tài chính quốc tế dự báo giá vàng tăng trong năm nay không phải ít, không chỉ Goldman Sachs mà trước đó, có tổ chức còn cho rằng giá vàng sẽ lên tới 2.500 USD hoặc 3.000 USD/ounce trong tương lai. Trong vòng 6 tháng tới, giá vàng sẽ tăng và tăng mạnh nhất từ cuối quý 3, đầu quý 4/2024, vì gần như năm nào kim loại quý cũng đi lên vào cuối năm.

Khi giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước sẽ tăng theo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, giá vàng SJC, vàng nhẫn có tăng mạnh và chênh lệch bao nhiêu so với thế giới, còn phụ thuộc vào chính sách điều hành thị trường của Ngân hàng Nhà nước có thay đổi so với hiện tại hay không. Bởi hiện nay, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân đang rất quan tâm đến việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Sau hơn 10 năm kể từ khi ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, đến nay được dư luận đánh giá đã phát huy tác dụng, tránh được tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, tình hình trong nước hiện nay đã có nhiều thay đổi, cần thiết sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để phù hợp với thị trường.

Cụ thể là nhu cầu vàng trong nước đã tăng cao hơn so với trước đây. Nếu chỉ có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được nhập khẩu vàng thì chỉ đáp ứng việc tiết kiệm ngoại tệ. Việc tiếp tục duy trì chế độ đó làm thiếu nguồn cung vàng, trong khi cầu vàng lại tăng, dẫn tới giá vàng trong nước luôn cao hơn vàng thế giới. Nếu kéo dài tình trạng này thì giá vàng có thể còn tăng hơn nữa.

“Giá vàng trong thời gian tới về mặt nguyên tắc sẽ có chiều hướng tăng lên, nhưng mức tăng không quá lớn và có thể trong tháng 3 này giá vàng thế giới lại tiếp tục rơi về quanh khu vực 1.950 – 2050 USD/ounce. Với mức đó thì giá vàng Việt Nam sẽ tương đối rẻ chứ không quá cao và giá vàng vẫn luôn có chu kỳ tăng giảm, nên các nhà đầu tư nên hết sức chú ý trong quá trình đầu tư vàng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Theo chuyên gia, trong năm 2023, giá vàng thế giới đã tăng khá ấn tượng với mức 13%. Trong năm 2024, có nhiều yếu tố có thể đẩy giá vàng thế giới lên cao, thậm chí đạt mức kỷ lục chưa từng có. Khi các điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục xấu đi, giá vàng có thể sẽ đạt mức cao mới vào năm 2024 và thậm chí có khả năng đạt 3.000 USD (tương đương 89,5 triệu đồng/lượng). Khi đó, nếu thêm khoản chênh khoảng 15 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC trong nước sẽ đạt gần 105 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên đây mới chỉ là dự báo, diễn biến giá vàng còn phụ thuộc nhiều vào các chính sách điều hành tài chính, tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Theo SKĐS