Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện tốt các giải pháp để thúc đẩy phát triển, khai thác hiệu quả hơn thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 3/2/2023, lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định, bối cảnh phát triển năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, sức mua của thị trường nội địa, sản xuất, xuất khẩu đang có những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt chậm cải thiện, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu đến nay còn hạn chế, xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu một số sản phẩm và việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.
Để thúc đẩy thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, năm 2023 cần tiếp tục lồng ghép việc xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, kết nối cung cầu hàng hóa và bình ổn thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, xây dựng, bảo vệ thương hiệu các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước, phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, phát triển các loại hình kinh doanh trên nền tảng số, khuyến khích phân phối xanh và tiêu dùng xanh; đẩy mạnh liên kết sản xuất – phân phối – tiêu dùng…
Đối với xuất khẩu hàng hóa, cần tập trung nâng cao năng lực phân tích, dự báo, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các cơ hội xuất khẩu, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, xuất khẩu bền vững, phát huy hiệu quả vai trò của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi phát triển cho cả phía cung và phía cầu. Thực hiện tốt các chương trình xúc tiến thương mại trong nước để khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng. Thúc đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Đầu tư và hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đưa nhiều hàng Việt về nông thôn. Làm tốt dự báo, cân đối cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến của thị trường để điều hành phù hợp, hiệu quả, không để đứt gãy nguồn cung, bảo đảm nguồn cung hàng hóa…
Thủ tướng cho rằng, ngành công thương cần phải thực hiện tốt công tác đối ngoại về kinh tế, hợp tác song phương, đa phương để duy trì, tìm kiếm và mở rộng thị trường, khai thác tối đa dư địa tại các thị trường xuất khẩu mà các lĩnh vực, ngành hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và thị trường nhập khẩu có nhu cầu để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới.
Theo doanhnhansaigon