Có nhiều nguyên nhân chóng mặt và trong đó, một số nguyên nhân bệnh lý nếu không điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cảm thấy lâng lâng, choáng váng khi kết thúc một buổi tập luyện mệt mỏi hoặc đứng lên quá nhanh là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn đang thắc mắc tại sao mình lại bị chóng mặt, mệt mỏi, suy nhược hoặc buồn nôn thì một số nguyên nhân có thể là do chứng đau nửa đầu, lo lắng, say tàu xe hoặc một vấn đề sức khỏe nào đó.
Dưới đây sẽ là các nguyên nhân chóng mặt phổ biến mà nhiều người mắc phải. Cùng tìm hiểu về những lý do phổ biến gây chóng mặt và cách khắc phục tình trạng này bạn nhé!
Triệu chứng thường gặp khi bị chóng mặt
Bạn có thể cảm thấy choáng váng, đầu óc quay cuồng và không ổn định khi bị chóng mặt. Đây là những triệu chứng phổ biến ở người bị chóng mặt. Và ngoài ra, bạn cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác, bao gồm:
- Khó đứng lên hoặc đi lại
- Đau đầu
- Hoa mắt, nhìn mờ, suy giảm thị lực
- Mất thăng bằng hoặc thính giác
- Buồn nôn và ói mửa
- Ù tai
- Tay chân bủn rủn, mệt mỏi, mất năng lượng
Tùy theo từng nguyên nhân chóng mặt mà bạn có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng đi kèm. Không phải lúc nào bạn cũng gặp toàn bộ các triệu chứng này.
Nguyên nhân chóng mặt phổ biến nhất
Mang thai
Phụ nữ mang thai có thể bị chóng mặt do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như:
- Ốm nghén làm mẹ bầu ăn ít hơn, không hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết và dễ bị mất nước
- Thai nhi trong bụng mẹ phát triển khiến tăng 30% lượng máu trong cơ thể người mẹ, dẫn đến huyết áp tăng
- Tiền sản giật
- Do tiền sản giật.
- Lượng đường trong máu giảm do đái tháo đường
- Nằm sai tư thế
- Thiếu máu
- …
Tình trạng bà bầu bị chóng mặt khi mang thai có thể diễn ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ, làm tăng nguy cơ té ngã dẫn đến chấn thương, ảnh hưởng sức khỏe của cả mẹ và bé.
Chứng đau nửa đầu
Chứng đau nửa đầu là một nguyên nhân chóng mặt vô cùng phổ biến. Ngoài chóng mặt, chứng đau nửa đầu thường có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh,…
Nếu bạn bị chứng đau nửa đầu mãn tính, việc nhận biết một số dấu hiệu cảnh báo phổ biến có thể giúp bạn chuẩn bị hoặc ngăn ngừa cơn đau. Ngoài ra, bạn nên tự theo dõi các triệu chứng của mình, thời điểm cơn đau đầu xảy ra, cảm giác khi cơn đau xuất hiện như thế nào và cơn đau kéo dài bao lâu,… để cung cấp thông tin cho bác sĩ nhằm tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.
Say tàu xe
Chóng mặt là một dấu hiệu phổ biến khi bị say xe, say tàu. Bạn có thể gặp vấn đề này khi di chuyển bằng ô tô, tàu hỏa, máy bay hoặc tàu thuyền. Ngoài cảm giác chóng mặt do say tàu xe, bạn có thể cảm thấy buồn nôn và đổ mồ hôi lạnh.
Dị ứng thực phẩm
Một nguyên nhân chóng mặt phổ biến khác chính là dị ứng thực phẩm, tức tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể có phản ứng với một số loại thực phẩm mà bạn nạp vào.
Dấu hiệu dị ứng thực phẩm có thể bao gồm hạ huyết áp, chóng mặt, ngứa da, đau bụng, buồn nôn…. Những phản ứng này có thể khác nhau từ các triệu chứng nhẹ đến nặng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Thuốc
Một số loại thuốc chính là nguyên nhân chóng mặt mà bạn có thể chưa biết. Trong đó, các loại thuốc thường làm huyết áp thấp và có thể gây chóng mặt bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc tim, như thuốc chẹn beta
- Thuốc điều trị bệnh Parkinson
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng để điều trị trầm cảm
Nếu bạn cảm thấy chóng mặt sau khi uống thuốc, nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem bạn có cần thay thế một loại thuốc khác hay điều chỉnh liều lượng thuốc hay không.
Giảm huyết áp
Huyết áp thấp do thay đổi tư thế từ nằm sang đứng hay còn được gọi là hạ huyết áp thế đứng có thể là nguyên nhân chóng mặt. Tình trạng này là do lượng máu ở phần trên cơ thể giảm khi thay đổi tư thế và sẽ ra huyết áp thấp.
Không phải trường hợp nào bị huyết áp thấp cũng có biểu hiện ra bên ngoài. Một số người hoàn toàn trông như bình thường, trong khi một số người có thể bị chóng mặt và các triệu chứng khác như lú lẫn, hoa mắt, nhìn mờ, mệt mỏi hay thậm chí ngất xỉu.
Bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson ảnh hưởng đến hệ thống vận động và gây run ở tay, cánh tay, chân, hàm và mặt. Căn bệnh này cũng có thể gây chóng mặt. Cụ thể, tình trạng chóng mặt có thể xảy ra ở những người mắc bệnh Parkinson khi huyết áp giảm.
Lượng đường trong máu thấp
Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) là tình trạng cơ thể không nhận đủ lượng đường. Khi lượng đường trong máu thấp, bạn có thể cảm thấy run rẩy, lo lắng, mệt mỏi và nôn nao. Đây cũng là một nguyên nhân chóng mặt mà bạn thường gặp.
Ngoài ra, lượng đường trong máu thấp cũng có thể gây lú lẫn và khó nói. Giải pháp cho bạn chính là bạn có thể ăn nhẹ, đặc biệt là bổ sung thực phẩm chứa carbohydrate. Các loại thực phẩm này có vai trò hỗ trợ giúp lượng đường trong máu trở lại bình thường một cách nhanh chóng.
Mất nước
Mất nước là nguyên nhân chóng mặt phổ biến, đặc biệt thường gặp trong mùa hè, khi thời tiết nắng nóng. Khi bị mất nước nhưng không bù nước kịp thời, bạn có thể gặp hiện tượng hoa mắt chóng mặt. Ngoài ra, tình trạng mất nước cũng có thể dẫn đến nhiều triệu chứng khác như khát khô họng, ít đổ mồ hôi, đi tiểu ít, màu nước tiểu vàng sẫm,…
Không uống đủ nước là nguyên nhân mất nước phổ biến nhất. Bên cạnh đó, các vấn đề sức khỏe như huyết áp cao, tiểu đường,… cũng là nguyên nhân mất nước.
Rối loạn lo âu
Các vấn đề về sức khỏe tinh thần cũng có thể là nguyên nhân chóng mặt. Cụ thể, triệu chứng rối loạn lo âu bao gồm chóng mặt, tim đập nhanh, ớn lạnh, đổ mồ hôi, hụt hơi, đau nhức không rõ nguyên nhân,…
Nếu cơn lo âu sắp xảy ra, hãy tập trung vào việc thở chậm lại hoặc sử dụng một câu thần chú có thể trấn an tinh thần của bạn. Cố gắng không hít thở nhanh và nông vì điều này sẽ khiến bạn dễ bị chóng mặt hơn.
Tiếp xúc với nhiệt độ cao
Khi ở trong môi trường hỏa hoạn hay ra ngoài nắng gắt, ở những nơi bí bách, bạn sẽ dễ có xu hướng bị chóng mặt do say nắng. Nếu không kịp thời bù nước, di chuyển đến nơi mát mẻ thì có thể dẫn đến sốc nhiệt, lú lẫn, hôn mê hay thậm chí tử vong.
Tuần hoàn máu kém
Lượng máu lưu thông đến não kém có thể gây chóng mặt, suy nhược, tê và ngứa ran. Nếu cơ thể bạn đang có quá trình lưu thông máu kém, não của bạn sẽ không nhận được đủ lượng máu cần thiết.
Tình trạng này nếu diễn ra thường xuyên hoặc kéo dài liên tục có thể dẫn đến đột quỵ. Do đó, nếu bạn cảm thấy chóng mặt thường xuyên, đi kèm với cảm giác mệt mỏi, uể oải, đau đầu,… thì cần đến bệnh viện sớm để được thăm khám và chẩn đoán.
Thiếu máu
Thiếu máu có thể gây chóng mặt, mệt mỏi, hụt hơi, tay chân lạnh,… Sắt chính là một trong những chất quan trọng giúp cơ thể bạn sản xuất hồng cầu và hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Nếu cơ thể không có đủ chất sắt, bạn có thể bị thiếu máu do thiếu sắt và dẫn đến các triệu chứng trên.
Để giảm nguy cơ thiếu sắt dẫn đến chóng mặt, bạn nên lựa chọn các thức ăn giàu chất sắt như hải sản, thịt nạc, các loại hạt,… Ngoài ra, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung sắt bằng các loại thuốc, thực phẩm chức năng,…
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính
Chứng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) là một vấn đề về tai trong thường gây chóng mặt. Với BPPV, nhiều người không chỉ cảm thấy chóng mặt mà còn bị mất thăng bằng, khó đứng vững. Bạn có thể cảm thấy như đang say tàu xe hoặc như thể cơ thể của bạn đang nghiêng sang một bên.
Bệnh có thể được khắc phục thông qua một số bài tập. Tuy nhiên, tốt nhất các bài tập này nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bệnh Ménière
Vấn đề về tai trong, cụ thể là bệnh Ménière là một trong những nguyên nhân chóng mặt thường gặp nhất. Bệnh Ménière xảy ra do chất lỏng tích tụ quá mức trong tai. Ngoài chóng mặt, bệnh còn gây ra các triệu chứng như: ù tai, cảm giác đầy trong tai, mất thính lực tạm thời,…
Không có cách chữa trị cho căn bệnh này nhưng bạn có thể kiểm soát các triệu chứng bằng cách ăn ít muối, uống thuốc, tập vật lý trị liệu, dùng máy trợ thính hoặc phẫu thuật.
Làm gì khi bị chóng mặt?
Nếu cơn chóng mặt xảy ra, bạn nên ngồi hoặc nằm yên tại chỗ. Nếu đang đứng, cố gắng không di chuyển, bám vào một vật nào đó để giữ vững cơ thể và nhẹ nhàng ngồi xuống nhằm tránh té ngã.
Hạn chế xem TV và đọc sách khi bạn có các triệu chứng chóng mặt. Tốt nhất không ở những không gian có đèn quá sáng hoặc âm thanh quá lớn. Không đột ngột thay đổi tư thế. Bạn nên nghỉ ngơi đến khi các triệu chứng khỏi hẳn thì mới quay trở lại với các hoạt động thường ngày.
Nếu thường xuyên bị chóng mặt hoặc chóng mặt đi kèm với các biểu hiện khác như lú lẫn, tê cứng chân tay, mất ý thức, co giật, nôn ói nhiều,… cần đến bệnh viện thăm khám để tìm nguyên nhân chóng mặt là gì và được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Nhìn chung, có nhiều nguyên nhân chóng mặt, khiến bạn cảm thấy choáng váng, mất thăng bằng. Nếu tình trạng chóng mặt kéo dài, lặp lại thường xuyên thì không nên chủ quan bạn nhé!
Theo mevacon