Hội nhập quốc tế – Tăng khả năng chống chịu cho doanh nghiệp

Tăng khả năng chống chịu cho doanh nghiệp (DN) là một trong những giải pháp giúp DN tăng khả năng hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện nay.

Tăng cường tận dụng các FTA thế hệ mới

Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phát triển mới nhưng tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí khủng hoảng trong một số lĩnh vực. Các xu hướng mới và yêu cầu mới từ các đối tác đã tác động đan xen cả cơ hội và thách thức đối với công tác quản lý Nhà nước và DN Việt Nam.

Để đẩy mạnh hội nhập trong tình hình mới, ngày 5/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030.

sx.jpg

Mục tiêu là chuyển hóa các lợi ích của hội nhập quốc tế thành kết quả trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế; nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Cùng với đó là giúp nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực của bền ngoài và tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế… Bốn nhiệm vụ chính được đề ra là cải cách, hoàn thiện thể chế; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực thi hiệu quả các FTA; thúc đầy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế trong một hội thảo hồi tháng 11/2023 cho biết, công nghệ số sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, phương thức sản xuất kinh doanh, năng suất lao động, sự vận hành của hệ thống tài chính, tiền tệ, thanh toán, đồng thời cũng tạo ra những phương tiện và phương thức mới về bảo đảm quốc phòng an ninh, triển khai đối ngoại. Các cơ hội và thách thức ngày càng đan xen, chuyển hóa lẫn nhau, phụ thuộc vào nội lực và khả năng tận dụng của từng quốc gia, từng chủ thể.

Việt Nam nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc nhiều vào nhu cầu toàn cầu, đặc biệt với nhiều đối tác chủ quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc…, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần theo dõi và nắm bắt những xu hướng, tình hình mới trong hội nhập kinh tế quốc tế để có những điều chỉnh chính sách phù hợp.

Riêng với TP.HCM, ông Phạm Bình An – Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế của TP.HCM cho biết, thời gian qua, TP.HCM đã tích cực triển khai các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Đây là địa phương có hoạt động thương mại trao đổi đầu tư lớn nhất cả nước với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt hơn 110 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài năm 2022 đạt trên 3,94 tỷ USD.

Đạt được kết quả trên là nhờ TP.HCM đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và truyền thông về hội nhập quốc tế với hình thức đa dạng, linh hoạt, hướng đến các nội dung chuyên sâu gắn với tình hình biến động, hội nhập kinh tế thế giới.

Cần chính sách hỗ trợ DN thiết thực

Và dù đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng trên thực tế các DN TP.HCM vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, TP.HCM có số lượng DN đông nhưng chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ và vừa. Trong khi đó, vấn đề hội nhập được các DN lớn, có xuất khẩu quan tâm nhiều hơn. Ngoài ra, liên kết giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN trong nước chưa đạt kỳ vọng.

cang.jpg

Bên cạnh đó, việc triển khai các vấn đề trong FTA thế hệ mới như lao động, công đoàn, môi trường, xu hướng chuyển đổi kép, chuyển đổi năng lượng… chưa được các cơ quan Trung ương hướng dẫn cụ thể để địa phương có sự chuẩn bị nhằm thực thi hiệu quả. Với nhu cầu ngày càng khắt khe giữa các thị trường, các chính sách hỗ trợ DN vẫn còn hạn chế.

Ông Phạm Bình An cho rằng, để đảm bảo việc hội nhập quốc tế có hiệu quả, không chỉ DN nỗ lực chủ động mà các hiệp hội, ngành hàng cũng cần làm đầu mối, hỗ trợ các DN thực hiện.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, theo ông Trịnh Minh Anh, cần tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực bồi đắp nội lực của nền kinh tế, để có thể ứng phó hiệu quả với những chuyển dịch, biến động lớn của nền kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh việc tận dụng giao thương để thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam cần củng cố nội lực bằng việc cơ cấu lại kinh tế, phát triển đồng bộ các ngành kinh tế quan trọng gắn với thương mại xuất, nhập khẩu và khai thông thị trường nội địa. Song song với việc tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường toàn cầu, cần tranh thủ những ngành công nghệ có thể đem lại hiệu quả, chất lượng cao, phát triển công nghiệp phụ trợ, chủ động nguồn lực từ trong nước thông qua thu hút nguồn vốn FDI, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI của các công ty đa quốc gia đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa thông qua việc gắn kết chặt chẽ giữa phát triển vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Đây là giải pháp thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

“Với xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và sản phẩm, tăng cường kiểm soát chất lượng, xuất xứ, chống gian lận thương mại và chủ động ứng phó với các tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, đặc biệt là cam kết trong các FTA đã ký kết nhằm bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững hơn”, ông Trịnh Minh Anh nhấn.