Có gần 160.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 11 tháng đầu năm 2023

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2023 số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 158.800 doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong tháng 11, Tổng cục Thống kê cho biết đã có đến 4.510 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Ngoài ra, có 6.598 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 1.443 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Tuy nhiên, trong tháng 11 có đến 14.267 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 7,6% so với tháng trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 6.562 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tính chung 11 tháng của năm 2023 thì cả nước đã có 201.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, trung bình mỗi tháng có 18.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

detmay.jpg
Trải qua 11 tháng của năm 2023, Việt Nam có gần 160.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước

Phần lớn các doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu thuộc nhóm ngành dịch vụ với 109.688 doanh nghiệp, chiếm 75,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2022); nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có 34.735 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,8% tổng số doanh nghiệp thành lập mới (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022) và nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 1.621 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới (giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2022).

Việc có hàng ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường và nhiều doanh nghiệp mới thành lập hoặc quay trở lại hoạt động đã ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số toàn ngành công nghiệp (IIP). Theo ghi nhận, trong tháng 11, IIP có mức tăng trưởng 3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với tháng 11/2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, IIP ước tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,1%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,2%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9%…

Về đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11, bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 11 tháng của năm 2023 ước đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong thời gian này, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đã có đến 117 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 257,3 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước; có 24 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 137,7 triệu USD, gấp 1,8 lần.

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 395 triệu USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ở thị trường xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa kỳ 1 tháng 11 sơ bộ đạt 14,65 tỉ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 306,06 tỉ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa kỳ 1 tháng 11 năm 2023 sơ bộ đạt 14,77 tỉ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 281,62 tỉ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước.

11 tháng qua cũng ghi nhận có đến 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,1%).

Đây là tín hiệu tích cực của doanh nghiệp Việt Nam trong bức tranh sáng – tối đan xen theo nhận định của Tổng cục Thống kê. Điều này cũng cho thấy khu vực doanh nghiệp có phản ứng tích cực trước sự phục hồi của nền kinh tế trong những tháng cuối năm cũng như năm tới.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn