Các nhóm đối tượng nên tầm soát đột quỵ sớm, tránh ân hận đã muộn!

Tầm soát đột quỵ giúp sớm phát hiện các bệnh lý hay các vấn đề sức khỏe bất thường, từ đó bảo vệ bạn khỏi nguy cơ đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng.

Tại Việt Nam, đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Việc tầm soát đột quỵ giúp bạn chủ động bảo vệ sức khỏe của mình trước mối đe dọa này.

Tầm soát đột quỵ là gì?

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng tế bào não bị tổn thương hoặc chết đi hàng loạt trong thời gian ngắn do thiếu oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết. Nguyên nhân là do dòng máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn hoặc gián đoạn, giảm đột ngột.

Hai nguyên nhân đột quỵ chính là xuất huyết não (chảy máu não) và tắc nghẽn mạch máu não. Nếu không điều trị kịp thời, người bị đột quỵ có thể bị liệt một bên, tàn phế, sống đời sống thực vật,… hay thậm chí tử vong.

Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ

Bất kể ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ, kể cả trẻ em. Tuy nhiên, những yếu tố dưới đây sẽ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ:

  • Tuổi tác (người tuổi trung niên và cao tuổi có nguy cơ đột quỵ cao hơn);
  • Giới tính (theo báo cáo tại Hội nghị Đột quỵ Quốc tế năm 2022, tại Việt Nam, đàn ông có nguy cơ đột quỵ cao hơn phụ nữ đến 1,5 lần);
  • Cao huyết áp;
  • Mắc các bệnh lý tim mạch như suy tim, giãn cơ tim, bệnh van tim,… hoặc các bệnh lý khác như hẹp động mạch cảnh, thiếu máu cục bộ thoáng qua, đái tháo đường, hẹp động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại vi,…;
  • Tiền sử gia đình từng có người bị đột quỵ;
  • Bản thân từng bị đột quỵ;
  • Thừa cân, béo phì;
  • Lối sống kém lành mạnh, dùng nhiều rượu bia, chất kích thích và ít vận động, luyện tập thể dục thể thao;
  • Thường xuyên hút thuốc lá;
  • Sử dụng hormone sau mãn kinh;
  • Thường xuyên ăn mặn, ăn các đồ ăn có hàm lượng cholesterol cao và nhiều dầu mỡ, nhiều muối;
  • Sử dụng viên uống tránh thai.

Tầm soát đột quỵ là gì

Vai trò của tầm soát đột quỵ

Tầm soát đột quỵ chính là hình thức thăm khám sức khỏe, đánh giá các nguy cơ gây đột quỵ và thực hiện các biện pháp can thiệp như dùng thuốc, thay đổi lối sống để phòng ngừa đột quỵ.

Tầm soát đột quỵ bao gồm đánh giá bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường, dị dạng mạch máu não… Khi thực hiện tầm soát, bạn sẽ được tiến hành xét nghiệm công thức máu, siêu âm tim, chụp MRI sọ não,…

Việc tầm soát đột quỵ sẽ giúp nhận biết sớm các nguy cơ gây đột quỵ, bao gồm các bệnh mạn tính hay các dấu hiệu bất thường, từ đó kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ này. Qua đó giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ đột quỵ.

Ai nên tầm soát đột quỵ?

Bạn có thể bị đột quỵ bất cứ lúc nào. Và đột quỵ cũng có thể “gõ cửa” với bất kỳ ai trong chúng ta. Do đó, mỗi người đều nên chủ động tầm soát đột quỵ 1-2 năm/lần để có thể bảo vệ sức khỏe bản thân.

Ngoài ra, cần lưu ý, các nhóm đối tượng sau đây thuộc nhóm có nguy cơ đột quỵ cao, nên tầm soát đột quỵ càng sớm càng tốt:

  • Người trên 55 tuổi và có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ đột quỵ
  • Người trên 45 tuổi va fcó 2 yếu tố nguy cơ đột quỵ

Ai nên tầm soát đột quỵ

Các câu hỏi liên quan đến tầm soát đột quỵ

Tầm soát đột quỵ gồm những gì?

Tùy theo độ tuổi và các yếu tố nguy cơ của bạn mà bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp tầm soát đột quỵ khác nhau. Thông thường, các gói tầm soát sẽ bao gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu và sinh hóa máu: Đánh giá bất thường trong tế bào máu, chỉ số cholesterol trong máu,  bất thường về hồng cầu, lượng đường trong máu hay rối loạn đông máu,…
  • Điện tim thường (ECG): Ghi lại nhịp đập của tim và xem có bất thường tim mạch hay không.
  • Chụp MRI: Dùng để kiểm tra và đánh giá các bất thường ở vùng xương sọ và não bộ, chẳng hạn như phát hiện túi phình động mạch hay dị dạng mạch máu não.
  • Chụp CT: Kiểm tra các bệnh lý mạch máu và tổn thương mạch máu, các chấn thương não bộ.
  • Soi đáy mắt trực tiếp: Kiểm tra tầm nhìn, đánh giá tổn thương đáy mắt (thường gặp ở người đái tháo đường và thăng huyết áp).
  • Chụp X-quang ngực: Kiểm tra sức khỏe và đánh giá bất thường vùng lồng ngực và tim mạch.
  • Siêu âm bụng tổng quát: Dùng để kiểm tra những vấn đề liên quan đến các tạng trong ổ bụng (thận, tuỵ, lách, gan mật, tử cung, buồng trứng,…).
  • Siêu âm Doppler tim: Có thể giúp sớm phát hiện bất thường ở buồng tim, các bệnh lý tim mạch và phát hiện cục máu đông trong tim (nếu có). Siêu âm tim là một thủ thuật quan trọng và có giá trị lớn trong tầm soát đột quỵ.

Tầm soát đột quỵ bao nhiêu tiền?

Tùy theo cơ sở y tế mà bạn lựa chọn cũng như các dịch vụ trong gói tầm soát mà chi phí này có thể thay đổi. Chi phí tầm soát đột quỵ có thể dao động từ 3.000.000 – 20.000.000 VND. Bạn nên liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn chi tiết hơn.

Khi nào cần tầm soát đột quỵ và nên tầm soát đột quỵ bao lâu 1 lần?

Nhìn chung, với những người chưa từng tầm soát đột quỵ, nên thực hiện tầm soát càng sớm càng tốt. Càng phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ thì việc điều trị càng hiệu quả.

Với những người đã tầm soát đột quỵ, nên thực hiện tầm soát định kỳ sau mỗi 1-2 năm. Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, cần tầm soát và thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên hơn.

Tầm soát đột quỵ bao nhiêu tiền

Bạn có thể làm gì để giảm nguy cơ đột quỵ?

Bạn có thể không ngăn ngừa được hoàn toàn cơn đột quỵ, nhưng việc quản lý các tình trạng sức khỏe và thực hiện một số thay đổi trong lối sống có thể giảm thiểu nguy cơ đột quỵ. Để phòng ngừa đột quỵ, bạn nên:

  • Duy trì huyết áp ở mức ổn định;
  • Kiểm tra mức cholesterol của bạn ít nhất 5 năm một lần;
  • Giảm cholesterol LDL bằng cách ăn nhiều rau củ quả, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ;
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường và lượng đường trong máu, không dùng các loại đồ ngọt, nước ngọt có gas, nước tăng lực,…;
  • Dùng bất kỳ loại thuốc nào cần thiết cho tình trạng sức khỏe của bạn (theo chỉ định của bác sĩ);
  • Cai thuốc lá;
  • Duy trì cân nặng vừa phải;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Nghỉ ngơi đủ, hạn chế căng thẳng;

Tầm soát đột quỵ giúp đánh giá vấn đề sức khỏe và các yếu tố nguy cơ đột quỵ để sớm can thiệp. Tuy nhiên, nếu kết quả tầm soát không có gì bất thường, bạn cũng không nên chủ quan mà cần duy trì chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học để tránh xa khỏi các yếu tố dẫn đến đột quỵ bạn nhé!

Theo mevacon